LẠM DỤNG LAM?

Làm nhà luôn phải có tranh luậntranh cãi, thậm chí tranh chấp nhiều vấn đề. Chuyện tạo dựng nơi ăn chốn ở xưa nay chưa bao giờ dễ dàng đạt ngay đồng thuận giữa các bên, càng không phải cứ muốn là được, dù cho bên chủ nhà nắm quyền năng thượng đế, hay bên thiết kế đang có giải thưởng vinh danh. Lớn thì tranh luận quy mô, kiểu dáng, mà nhỏ thì nhức đầu có khi bởi vài chi tiết, màu sắc, hay chuyện làm mấy cái… lam!

 

Khai thác khả năng tạo hình và che chắn của lam nhôm hiện đại được nhiều nơi từ Singapore đến châu Âu ưa chuộng

Xứ nóng, ai cũng biết phải che chắn giảm thiểu bức xạ. Nhưng che kiểu nào, che bao nhiêu, che ra sao… lại không định dạng định lượng định tính được ngay. Thời buổi lên mạng tham khảo năm châu bốn biển nhanh hơn lấy đồ trong túi, người ta thay đổi xoành xoạch mà không biết rằng những “tài liệu tham khảo” ấy chắc gì đã áp dụng ngay vào nhà mình, vào thiết kế của mình được!

Chuyện dùng lam để che chắn chống nóng lại gắn liền với bao bọc bên ngoài nhà, tức là “đụng chạm” phần hình thức, phần người ta khá quan tâm, dù chưa chắc đã “xài” cái hình thức đó hàng ngày. Gắn lam cả ngoài lẫn trong nhà đang là xu hướng thời thượng chục năm trở lại đây với biệt thự, nhà phố, và cả công trình công cộng. Nhưng lạm dụng lam, hay nói cách khác là dùng lam không đúng chỗ đúng kiểu, dùng lam như một hình thức “thể hiện, trình diễn” thì không phải dễ nhận ra, ngay cả trong giới chuyên môn. Càng ngày càng xuất hiện nhiều vật liệu, giải pháp liên quan đến việc “bao bọc”  bên ngoài công trình, và do đó, cũng gia tăng không ít những thắc mắc, mâu thuẫn, xử lý sai lệch trong gia chủ cũng như nhà thiết kế.

* Lam, tuy mới mà cũ:

Các dạng tấm che nắng cho nhà cửa thực ra không hề xa lạ ở điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như nước ta. Từ nếp nhà truyền thống đan các tấm phên tre thành mảng chắn nắng, đến các công trình thời 1950 – 1970 dùng lam bê tông tạo hình rất phong phú, tạo nên dấu ấn của “thương hiệu kiến trúc Sài Gòn” từ công trình dân dụng đến công nghiệp, thương mại hay bệnh viện… đã dùng hệ lam bao che vừa thích ứng tốt khí hậu địa phương, vừa tạo nét riêng về thẩm mỹ đương đại mà rất dân tộc. Những sáng tạo trong lam bê tông, gạch bông gió, lam nhôm… mang nhiều đặc trưng không thể thay thế ở các công trình nổi tiếng như dinh Độc Lập, đại học Y dược TP.HCM, thư viện Khoa học tổng hợp, bệnh viện Chợ Rẫy… vẫn đang tồn tại qua thời gian, minh chứng cho một giải pháp kỹ thuật hợp lý, được nghiên cứu thiết kế và thi công có chất lượng, thậm chí tạo nên chuẩn mực một thời và được không ít công trình lớn nhỏ khác học hỏi, áp dụng khá nhiều.

Thủ pháp xử lý lam bê tông khá phù hợp khí hậu nhiệt đới, một thời phổ biến trong nhiều công trình ấn tượng tại Sài Gòn

Nhưng kẻ hậu bối hôm nay đôi khi khó làm tốt hơn các tiền bối thời trước nếu như không biết sáng tạo có cân nhắc mà chỉ chăm chăm áp dụng cứng nhắc hay thậm chí tệ hơn là sao chép theo kiểu “nhân danh quá khứ” để  “ăn mày dĩ vãng”. Và tất nhiên, trước khi làm động tác “cắt và dán” của thời vi tính, những nhà thiết kế chớ quên nhìn lại các mặt ưu nhược của hệ lam này.

Ưu điểm khá phổ biến: lam giúp bao che mặt đứng, ngoài cửa sổ, trên sân thượng… đồng thời ngăn mưa tạt, làm giàn cho cây xanh, chắn tầm nhìn xuyến thấu từ ngoài vào công trình… Do vậy bố trí lam cho mặt ngoài nhà thường hay đi kèm nhiều công dụng khác nhau, với khả năng phối kết, tạo hình phong phú. Bên cạnh đó, lam ít bị phụ thuộc vào dạng thức hình khối của công trình, không chịu gò ép chặt chẽ như tỷ lệ thức cột cổ điển hay quy cách mái với độ dốc phù hợp như trong thiết kế công trình mái ngói, kiểu xưa. Lam còn có thể sản xuất độc lập tại xưởng theo quy cách chuẩn, làm xong phần thô mới gắn vào nhanh gọn, phủ kín mặt dựng cho nhu cầu quảng cáo, dịch vụ, thương mại của nhà phố. Lam xoay hoặc đóng mở linh hoạt, lam hạn chế được vài bất cập về công năng bên trong của mặt bằng (ví dụ như giúp che nơi phơi đồ, chắn trước khu vệ sinh…) góp phần tạo nên một dạng nhà “lấy lam làm ngôn ngữ chính” rất có nét riêng, thậm chí được coi là thiết kế nhiệt đới hiện đại.

Dĩ nhiên “huyền thoại” nào cũng có mặt trái, nhược điểm, và hệ lam dùng cho công trình nhà ở cũng thế. Cấu tạo có thể phức tạp dẫn đến chi phí cao, hoặc kiểu lam thô mộc thì nhiều bề mặt bụi, ngóc ngách khó vệ sinh, thậm chí lam bọc kín mít khiến khả năng thoát hiểm bị hạn chế (đã từng xảy ra ở công trình thương mại dùng hệ lam bê tông quá kiên cố nên ngăn cản thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn).

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận lam không chỉ và không thể là cấu kiện duy nhất giúp che chắn ngôi nhà trước tác động thời tiết. Mái nhà, hành lang, tấm che cửa sổ, tường xây, chọn hướng đón gió và thoát gió đúng… đều ảnh hưởng đến một ngôi nhà có mát mẻ dễ chịu hay không. Nếu chỉ nhìn vào một mảng lam ấn tượng, một mặt đứng “chất chơi” thì sẽ không thể sử dụng lam hiệu quả, vì hệ lam chưa bao giờ là chi tiết tách rời khỏi tổng thể ngôi nhà thích ứng với điều kiện nhiệt đới. Vô số ví dụ thực tế đã cho thấy kiểu làm nhà “chọn hình thức đi trước” như vậy, dù thậm chí được đủ kiểu giải thưởng kiến trúc, vẫn lộ ra hàng loạt bất cập trong sử dụng, vật lý kiến trúc, và gây phản cảm về thẩm mỹ của ngôi nhà, cho dù có thể đó là chủ đích ban đầu của tác giả.

Ngay tại các công ty thiết kế mang tính quốc tế của Singapore, Mỹ hay Úc, có thể thấy không ít công trình của họ đã chọn hệ lam là ý tưởng chủ đạo, chi phối ý đồ tổ chức cấu trúc bên trong và hình khối cơ bản của tòa nhà. Điều này tuy thể hiện cá tính rõ nét của thiết kế theo kiểu “nhìn vào nhận ra ngay”, nhưng cũng tạo ra một tâm lý dễ dãi với cách xử lý dùng lam “bọc hết là xong”, không quan tâm đến các khía cạnh công năng và văn hóa đặc thù.

Hệ lam dùng khá phong phú tại các công trình lớn, resort, văn phòng… với tính toán kỹ lưỡng, không đơn điệu, rập khuôn

Lam, dùng sao cho khéo:

Hệ thống lam theo thời gian cùng với sự phát triển của của công nghệ vật liệu đã không gói gọn trong những thanh ngang hay tấm dọc, mà có rất nhiều biến thể phong phú, như dạng khối uốn lượn parametric, tạo hình đa dạng nhờ các kỹ thuật cắt CNC, đục lỗ ngẫu nhiên… Các loại lam hiện đại giờ đây còn có thể di động bằng cơ học hay điều khiển tự động nhờ cảm ứng, do vậy trở thành giải pháp kỹ thuật – vật liệu khá hấp dẫn và phong phú. Tất nhiên, kỹ thuật càng tân kỳ, vật liệu càng cao cấp thì chi phí cho lam cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Và cũng có không ít giải pháp “ăn theo” dùng lam tràn lan mà bằng chất liệu không tương xứng, tạm bợ, giống như đã từng có một thời nhiều nhà ốp gạch men vệ sinh ra ngoài mặt tiền, hoặc nhiều nhà tô gờ chỉ chi chít giả thức cổ điển mà không cân nhắc đầy đủ các phương diện của bối cảnh, kiểu dáng, môi trường.

Về bản chất, mọi biểu hiện hình thức đều xuất phát từ văn hóa vốn có, trong đó 2 yếu tố cơ bản là văn hóa nhận thức và văn hóa sử dụng. Nhận thức được chưa chắc đã áp dụng đúng, nhận thức sai lệch sẽ dẫn đến lạm dụng một chi tiết, kiểu dáng hay màu sắc nào đó mà mình cho rằng – hoặc chạy theo cộng đồng chung quanh – là hay là đẹp. Không kể các công trình phải bọc lại kín mít vì nhu cầu quảng cáo hay cách âm, một ngôi nhà phố bình thường khi xem xét giải pháp mặt đứng bên ngoài sẽ rất cần sự tiết chế khi chọn lựa lớp vỏ bao che. Chuộng cổ điển? Mê hình khối? Nổi bần bật hay lặn mất tăm? Không dễ trả lời ngay là nên dùng lam, bởi muốn dùng lam như thế nào đòi hỏi gia chủ và nhà chuyên môn phải cân nhắc, tham khảo kỹ lưỡng và có so sánh, đánh giá đúng mức các mặt ưu khuyết của hệ lam muốn áp dụng. Quá trình tư duy này rất khác nhau tùy hoàn cảnh, tính cách mỗi người, do đó không thể đưa ra chuẩn mực về việc dùng lam thế nào là khéo léo vừa đủ, mà tới đâu là lạm dụng sa đà. Chỉ nêu ra một số dạng biểu hiện đã có trên thực tế để “trông người mà ngẫm đến ta” như sau:

– Dạng tùy tiện, sơ sài, có cũng như không: thường gặp ở các ngôi nhà có trộn lẫn lam với nhiều giải pháp vật liệu khác không rõ ràng, ít theo công năng mà chỉ mang tính hình thức. Ví dụ nhà theo kiểu cổ điển nhưng xây lên thấy nắng chói quá nên gia chủ gắn thêm lam che, khập khễnh về kiểu thức kiến trúc. Hoặc nhà có cấu trúc thô mộc lẽ ra phải dùng lam gỗ hoặc nhựa giả gỗ thì gia chủ lại muốn đổi sang dùng lam nhôm trắng, gây ra phản cảm sai lệch về chất liệu, màu sắc.

– Dạng dày đặc, phi lý: thường gặp ở các ngôi nhà có sự sao chép “bất chấp”, không quan tâm đến cấu trúc đặc thù của nhà mình. Hoặc cũng có thể các bên xem thường tính toán cụ thể, chỉ biết dùng một dạng lam duy nhất có trên thị trường mà áp dụng thiếu tính toán. Dạng này có khi bọc lam vào cả những chỗ không cần bọc, hoặc dùng sai quy cách, không thích hợp với hướng khí hậu và ngoại cảnh. Theo các nghiên cứu về giải pháp che nắng hợp lý cho các hướng (cụ thể khu vực TP.HCM), thì lam ngang nên dùng chủ đạo ở các hướng đông, đông nam và nam, khi sang các hướng tây nam, tây bắc hay đông bắc thì cần bổ sung thêm các lam đứng, xiên… Rồi ở mỗi hướng tùy theo biểu đồ mặt trời, theo mùa có bức xạ khác nhau tại địa điểm xây dựng mà có tính toán về góc che nắng, độ vươn ra của kết cấu lam dọc hay ngang hay xiên. Nếu dùng lam không đúng hướng nắng thì không những chẳng che chắn được hữu hiệu mà còn gây phản cảm, khuất lấp tầm nhìn, giảm ánh sáng và thông thoáng.

– Dạng thực dụng nên thiếu thẩm mỹ: đôi khi vì nhu cầu thực sự cần thiết như che chắn nắng, ngăn tầm nhìn, mà người ta sử dụng lam cho đúng “chức năng nhiệm vụ quyền hạn” nhưng lại không đầu tư về thẩm mỹ, dẫn đến gán ghép sai lệch về tỷ lệ, khoảng cách. Hệ lam khi đó thiếu đồng nhất cho công trình, và chưa cân nhắc đến cả khả năng che mưa tạt, trồng cây xanh, cũng như khả năng thoát hiểm khi gặp sự cố. Không phải gia chủ nào cũng chấp nhận được hệ lam “vây bọc” bên ngoài nhà mình vì những ấn tượng về thẩm mỹ nào đó đã ăn sâu trong tâm thức. Nên khi được tư vấn dùng lam, sự miễn cưỡng dẫn đến việc thêm bớt, dùng lam cho có cũng khiến tổng thể bị chắp vá, lộn xộn, kém duyên.

Dùng lam kết hợp chặt chẽ với hệ cửa, mái, tỷ lệ đặc rỗng, công năng bên trong… thì mới đạt hiệu quả che chắn và thẩm mỹ

Về bản chất, lam là giải pháp cộng thêm cho không gian sử dụng được tiện nghi, hiệu quả và thẩm mỹ, nếu thiếu các điều kiện đó thì lam cũng sẽ chỉ là chi tiết thêm thắt về hình thức. Khi nằm trong toàn thể ngôi nhà được chọn lựa, xử lý phù hợp thì hệ lam sẽ là chi tiết đáng giá, khi đặt trong tổng thể không hợp lý, nó sẽ chỉ là lớp vỏ hình thức bị lắp ghép khiên cưỡng. Nếu chỉ quan tâm đến mảng miếng hình khối chung chung, ít xem trọng các thông số kích thước, tương quan thành phần trong – ngoài với nhau thì dẫu phần hình thức tuy ấn tượng nhưng trong không gian lại khó sử dụng, như dùng “đồ giả” phủ vây bên ngoài. Đối với nhà phố, cách mở cửa và dùng hệ lam che chắn có thể linh hoạt tùy theo kích thước nhà cũng như ý đồ thiết kế, nhưng vẫn không thể bỏ qua công năng phòng ốc cụ thể, khác với công trình thương mại hay văn phòng có thể “bọc lam” dễ dàng hơn. Ví dụ lầu 1 nhà phố là phòng sinh hoạt gia đình, nơi nhiều người tập trung thì nên mở cửa rộng, làm thoáng hơn, dùng lam thành mảng rộng. Còn lầu 2 thường làm phòng ngủ và nếu có nắng chiếu vào nhiều hơn thì nên giảm số lượng và kích cỡ cửa, cũng là để cân bằng các mảng đặc rỗng, trên dưới. Do đó hệ lam trên dưới sẽ phải tính toán tương ứng, hài hòa, chứ không thể đơn điệu giống nhau, hoặc một căn phòng ở hướng Bắc thì không thể nhiều nắng gắt như ở hướng Nam hay Tây được.

Từ một chi tiết tưởng đơn giản như cách dùng lam, có thể dẫn ra không ít câu chuyện tư duy thiết kế sao cho hài hòa các điều kiện tự nhiên và xã hội. Kiến trúc luôn biến động theo những thay đổi của điều kiện sống từng thời kỳ, và do đó giải bài toán tổ chức không gian sao cho hợp lý, thẩm mỹ luôn đòi hỏi những cân nhắc kỹ lưỡng và tận tâm từ nhiều phía.

BÀI: KTS TUẤN HÀ
ẢNH: THÁI KHƯƠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *